29 thg 10, 2015

Cây cảnh Sài Gòn: Rao tiền tỷ, bán vài chục triệu

Nhiều loại cây cảnh (kiểng) được nhà vườn công bố giá bán trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng nhưng sau đó lại được bán ở "cửa sau" với giá chỉ vài chục triệu đồng.

Theo nhận định của nhiều nghệ nhân cây kiểng tại TP HCM, một số loại kiểng, bonsai, cổ thụ đang được “hét giá” hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mà không có chứng từ. Thị trường cây cảnh đang bị thao túng. Cao điểm chuẩn bị hàng cho Tết Nguyên đán đang bắt đầu ở các nhà vườn nhưng sức mua không cao so với mọi năm.

Ông Nguyễn Văn Giá, một chủ vườn kiểng ở Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP HCM, cho biết, từ trước đến nay, việc định giá kiểng chỉ diễn ra trong chợ Tết. Người bán phải tìm hiểu, so kè với nhiều vườn bạn để cho ra một mức hợp lý. Nhưng năm nay, thương lái tìm đến một số vườn lớn trả giá cao, tạo nên tin đồn về những cây kiểng quý có giá cả tỷ đồng.




Tại TP HCM, cây kiểng được bày bán ở nhiều tuyến đường nhưng không có người mua. Ảnh: Zen Nguyễn.

Xét về phương diện nghệ thuật, giá cây càng cao càng khẳng định được tâm huyết, giá trị của nghệ nhân. Nhưng xét về mặt thương mại, hiếm có người người chịu bỏ tiền tỷ ra mua cây kiểng về chơi, nhất là thời buổi kiếm tiền khó khăn như hiện nay”, ông Giá nói.

Nghệ nhân Ba Hùng, chủ cặp khuế rao bán 7 tỷ ở Tây Ninh, cho biết, giá trị cây kiểng nằm ở công chăm sóc, tạo dáng, và mất nhiều thời gian để săn tìm.

Sau 3 tháng rao bán vườn kiểng với giá 170 tỷ đồng, đến nay, ông Ba Hùng mới bán được một số cây nhỏ giá vài chục triệu đồng mỗi cây. Những cây lớn rao giá cả tỷ đồng vẫn chưa được hỏi mua. Không ít cò cây đến đề cập muốn "giải vây" vườn kiểng với giá rẻ nhưng ông Hùng chưa đồng ý.


Vườn kiểng 170 tỷ của ông chủ cặp khế 300 tuổi làm xôn xao dư luận. Nhiều nghệ nhân, thương lái ngờ vực đây là mức giá ảo. Ảnh: Zen Nguyễn.

Trong khi đó, nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh, chủ cơ sở sản xuất non bộ, trồng bonsai ở Hóc Môn, TP HCM cho biết, nhiều vườn “hét giá” cây kiểng hàng trăm triệu, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng. Sau đó, chính những người này phải nhờ các mối lái quen biết đi “rỉ tai” các chủ vườn khác bán với giá vài chục triệu đồng. Nhờ vào mối này, anh Vinh thu về nhiều cây có giá trị. Sau khi sửa dáng, cơ sở này quyết định bán ra với mức giá thấp hơn 10 lần so với mức được rao ban đầu.

Nếu cứ tiếp tục sống với giá ảo, thị trường cây kiểng TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ bị tuột dốc. Người chơi kiểng sẽ thờ ơ, không có sức mua, nhà vườn chính là người bị thiệt hại lớn nhất”, anh Vinh chia sẻ.

Ngoài giá ảo, kiểng còn bị làm giả, lão hóa nhanh để bán giá cao. Một cò cây kiểng trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, cho biết, với chiếc máy mài, đục, vài bịch bột màu, một cây đã trở nên sần sùi. Có những cây giá chỉ vài trăm nghìn nhưng lại được biến thành kiểng quý 40 năm tuổi giá trăm triệu, sau 3 tháng đến một năm nuôi dưỡng.

Thậm chí, theo lời nghệ nhân này, trên thị trường còn xuất hiện một số loại thuốc kích thích tăng trưởng hàng Trung Quốc. Thuốc có tác dụng làm nhanh lão hóa cây, khiến nghệ nhân kinh nghiệm lâu năm cũng khó phân biệt đó là cây giả.

Lời bình của LuxBonsai: Hiện tượng cây cảnh được hét giá hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng theo quan điểm của LuxBonsai là nên hạn chế. Mặc dù là hàng nghệ thuật thì giá trị khó có thể định giá như hàng công nghiệp (tính chi phí giá vốn + công chăm sóc) hoặc nếu là thương gia thì có thể tính cả chi phí cơ hội (chi phí đi "săn"). Tuy nhiên khi định giá các nhà vườn nên quan sát cả thị trường cây cảnh trước khi đưa ra một mức giá hợp lý để có lãi và phù hợp với thị trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét