Hiển thị các bài đăng có nhãn rau sạch. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn rau sạch. Hiển thị tất cả bài đăng

5 thg 8, 2019

Chuyện trồng rau

Chuyện trồng rau P1
Vậy là, cũng chẵn một năm tôi bắt đầu sự nghiệp trồng rau :)
Khi mới bắt tay vào trồng rau trong quá trình làm luận văn thạc sĩ nông nghiệp thì tôi có một suy nghĩ khá đơn giản: Trồng rau ý mà, có gì đâu mà khó. Những thứ khác mình còn trồng được, huống hồ gì là rau. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, mọi chuyện nó cũng không hề đơn giản như tôi tưởng.

Trước hết, cũng nói qua một chút: Tôi không có khái niệm về rau hữu cơ hay rau sạch. Cái tôi hướng tới, nếu dùng một từ nào chuẩn nhất, tôi nghĩ có lẽ là nên dùng từ RAU AN TOÀN.
Bạn đừng vội ngạc nhiên khi thấy tôi nói vậy. Vâng, tôi không hề nói sai cái định nghĩa tôi hướng tới và đang thực hiện, bởi nó có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan khi tôi nói đến điều này.
Thứ nhất, tôi sẽ nói đến rau hữu cơ. Giờ thì với thời đại của Internet và mạng xã hội, nhà nhà buôn bán, người người buôn bán và shop nào, cửa hàng nào cũng đều vỗ ngực tự xưng là rau quả hữu cơ, Organic... mà tôi đồ rằng, cũng không phải tất cả những người tự cho mình là bán đồ hữu cơ, Ô xờ ga níc đã có thể hiểu rõ được khái niệm về cái danh xưng mà mình gán cho rau quả của mình.
Hiện nay, sản phẩm dán mác Organic nghiễm nhiên được coi là đẳng cấp, là sự lựa chọn thông minh và sang chảnh, một trào lưu thời thượng của xã hội. Tôi biết, có một số gia đình vẫn cắn răng chi tiền cho rau hữu cơ để cho những đứa con sử dụng, còn hai vợ chồng vẫn dùng rau bình thường mua ở chợ cóc ngoài đầu ngõ. Tất cả vì tương lai con em chúng ta, tôi không phản đối điều đó. Nhưng rồi tôi không hiểu, khi những đứa trẻ lớn lên, đối diện với những suất ăn trong căng tin, ở nhà hàng, quán cơm bụi... cơ thể của chúng sẽ phản ứng như thế nào với một hệ thống rau củ quả tràn ngập thuốc BVTV mà không hề được kiểm soát một cách chặt chẽ như hiện nay? Và, cái giá phải trả cho cái từ Organic không hề rẻ (nếu không muốn nói là cắt cổ). Một kg rau Organic có giá thấp nhất như tôi biết (ở một vườn rau Organic khá là nổi tiếng) khoảng 160k/kg. Và chắc chắn, tôi không đủ tiền ăn rau hữu cơ :p
Phải nói thẳng thắn rằng, tôi là một người nông dân tay ngang, một người nông dân không được đào tạo bài bản ở những học viện chính quy về nông nghiệp. Với tôi, nông nghiệp nó như một cái duyên, một sự yêu thích với việc tự mình mày mò và thử nghiệm. Thành công cũng có, thất bại cũng nhiều. Con đường tôi đi đều là những bài học phải trả giá và học mót từ những người nông dân thực thụ, những người mà có thể nói là đã gắn cả cuộc đời mình với đồng ruộng. Ở họ có sự trải nghiệm, kinh nghiệm quý báu mà tôi cần học hỏi. Tất nhiên, không phải kinh nghiệm nào cũng đúng, đặc biệt khi chúng ta đang làm nông nghiệp ở thời đại 4.0 (À, tôi nghe ti vi nó nói thế). Trong tất cả những kho tàng kinh nghiệm đó, bạn đôi khi phải lọc bỏ bớt đi một cơ số thứ, và có những điều, bạn phải thay đổi để cho nó phù hợp hơn với điều kiện canh tác hiện tại.
Tôi lại hơi lan man mất rồi. Thôi, quay lại với chủ đề chính mà tôi muốn nói đến trong bài hôm nay là nông nghiệp hữu cơ. Theo định nghĩa của IFOAM thì “Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ yêu cầu không được sử dụng 5 nguồn vật liệu đầu vào cho sản xuất gồm: hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng, sản phẩm đột biến gen và phân bắc. Nguồn vật liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp hữu cơ chủ yếu dựa vào luân canh, sử dụng phân chuồng đã qua ủ nóng, phân xanh, phân vi sinh và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để canh tác.” Và điều quan trọng hơn là “Không có các thông tin bằng chứng đầy đủ của y khoa về những tuyên bố thực phẩm hữu cơ là an toàn hơn hay khỏe mạnh hơn so với thực phẩm từ nuôi trồng thông thường. Có thể có một số khác biệt trong hàm lượng các chất dinh dưỡng và chất ức chế hấp thụ dinh dưỡng ở thực phẩm hữu cơ so với thực phẩm thông thường. Các thay đổi của sản xuất và chế biến thực phẩm dẫn đến không thể kết luận rằng thực phẩm hữu có là an toàn hơn hay tốt hơn thực phẩm thông thường. Việc cho rằng thực phẩm hữu có có mùi vị tốt hơn hoàn toàn không có căn cứ khoa học.”
Đấy là những định nghĩa về nông nghiệp hữu cơ chính thống mà các bạn có thể dễ dàng kiểm chứng. Còn điều kiện để có thể trồng hữu cơ theo tôi hiểu thì phải đảm bảo được 3 yếu tố SẠCH là: ĐẤT, NƯỚC VÀ KHÔNG KHÍ. Nói một cách đơn giản, nếu bạn muốn có rau quả Organic, bạn phải đảm bảo đất trồng của bạn phải là đất sạch, nguồn nước dùng để cung cấp cho cây trồng phải là nguồn nước sạch (Chắc chắn là phải sạch hơn cái nước từ sông Đà hiện đang cung cấp cho cả thủ đô dùng, theo tiêu chuẩn như của Mỹ là có thể mở vòi ra uống luôn nước mà không cần phải đun nấu gì cả), và, bạn phải có một bầu không khí sạch để làm điều đó.
Với tôi thì điều này khá là khó khả thi. Đồng ý là trước khi trồng, bạn có thể mua toàn bộ đất sạch từ nhà máy chuyển ra, bạn có thể đầu tư khoảng vài tỷ để có một nguồn nước sạch với một hệ thống xử lý nước theo tiêu chuẩn châu âu hoặc Nhật Bản. Nhưng còn không khí sạch? Bạn có thể tìm ở đâu một bầu không khí sạch không bị ô nhiễm để canh tác? Một giải pháp được đưa ra là bạn có thể dùng nhà kính, cách ly với điều kiện xung quanh. Tuy nhiên, cái này cũng không thể giải quyết được triệt để nếu như người hàng xóm của bạn, canh tác ngay gần bạn luôn luôn dùng thuốc trừ sâu phun một cách nhiệt tình vào những vườn rau và hoa trái của họ. Mặc dù, bạn có hàng rào cách ly, nhưng, khoảng cách là bao nhiêu thì đủ?
Tôi cũng đã có cơ hội đi thăm một vài trang trại hữu cơ có tiếng ở Đà Lạt, và tôi thấy, khoảng cách cách ly giữa các trang trại này và các trang trại khác không đủ lớn để có thể ngăn cản sự phơi nhiễm thuốc BVTV (nếu có) từ các trang trại bên cạnh. Hơn nữa, có ích gì khi cả một vùng chuyên canh, có mỗi một mình nhà bạn lọt thỏm trong cả một vùng rộng lớn không sử dụng thuốc và phân bón hóa học? Tôi cho là sự khác biệt cũng không phải là quá lớn. Nói trắng ra thì cả làng ăn mít, nhà bạn dù có không ăn mít thì đi đâu cũng chỉ ngửi thấy mùi mít chín mà thôi :p
Một số nhà vườn tự tin quảng cáo rằng: Vườn của tôi là vườn hữu cơ. Cái định nghĩa hữu cơ của họ cũng khá đơn giản: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng thuốc trừ sâu, có hàng rào bảo vệ và cách ly so với những khu vườn bên cạnh. Thế là quá đủ để có thể nói đó là Organic rồi, còn những thứ khác, có hay không không quan trọng :p

Đến đây thì người Việt rất sáng tạo, nghĩ ra một cụm từ khá hay: RAU CỦ QUẢ TRỒNG THEO HƯỚNG HỮU CƠ. Vậy trồng theo hướng hữu cơ là trồng như thế nào? Phương pháp này sẽ sử dụng bao nhiêu điều kiện của phương pháp canh tác hữu cơ? Và chất lượng sản phẩm so với canh tác truyền thống có gì khác biệt? Tất nhiên là chẳng ai có thể trả lời cho những câu hỏi trên hoặc nếu có, thì cũng là những câu trả lời mập mờ đại loại như: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng thuốc trừ sâu (hoặc hạn chế sử dụng), sử dụng phân chuồng và hạn chế sử dụng phân bón hóa học... Có rất nhiều điều bạn có thể nêu ra để chứng minh cho việc mình đang sản xuất theo HƯỚNG HỮU CƠ. Tôi cho rằng đây là một sự nhập nhèm hay câu chữ khá hay mà nhiều người hiện nay đang sử dụng.
Dừng ở đây một chút, tôi có thể nói rằng thuốc diệt cỏ không hoàn toàn xấu. Nếu thuốc diệt cỏ quá nguy hiểm và tác động quá lớn đến sức khỏe con người thông qua các sản phẩm nông nghiệp, có lẽ ngành này đã bị khai tử từ lâu. Nhưng không, nó vẫn phát triển và sống khỏe, sống tốt, thậm chí đem lại nguồn lợi khổng lồ cho nhà sản xuất và các chính phủ. Có thể nói, cái thiết yếu nhất chúng ta sử dụng hàng ngày là gạo thì đến 90% các cánh đồng trồng lúa của chúng ta sử dụng thuốc diệt cỏ. Cái nguy hiểm ở đây theo tôi hiểu, đó chính là thói quen sử dụng thuốc của người Việt. Đa số người nông dân có một suy nghĩ khá đơn giản: Tăng ít nhất gấp rưỡi hoặc gấp đôi liều lượng của nhà sản xuất khuyến cáo để có thể diệt cỏ nhanh hơn, hiệu quả hơn. Điều này diễn ra với hầu hết các sản phẩm khác như: Thuốc BVTV, phân bón... Việc sử dụng bừa bãi, vô tội vạ như trên mới chính là nguyên nhân chính gây ra sự dư thừa là tồn dư các hóa chất gây nguy hiểm cho con người cũng như sức khỏe cộng đồng, hệ thống đất đai bị đầu độc và các vi sinh vật (cả có ích lẫn gây hại) bị biến đổi và đôi khi, nó hoàn toàn biến mất trên những thửa ruộng xưa kia là nơi sinh sống của chúng. Nguy hiểm hơn cả, vì ham rẻ, người nông dân đã chọn phương án sử dụng thuốc diệt cỏ của anh hàng xóm "Núi liền núi, sông liền sông" không nhãn mác, được bán theo can về phun trực tiếp vào đồng ruộng của mình. Và không ai biết, trong những can thuốc trừ cỏ không nhãn mác ấy, nó bao gồm những chất gì và có được phép sử dụng hay không. Điều họ quan tâm chính là hiệu quả và giá thành. Cứ rẻ thì mình chiến thôi :p
Và những bạn trồng nông nghiệp theo hướng hữu cơ hay vỗ ngực mà nói rằng: Chúng tôi không (hoặc ít) sử dụng phân bón hóa học, mà chúng tôi sử dụng hệ thống phân chuồng đã qua xử lý bón cho cây trồng. Ở đây, có một vấn đề nhỏ đặt ra đó là: Phân của bạn có phải là nguồn phân sạch, được lấy từ những trang trại sản xuất cũng theo hướng hữu cơ như chính các bạn? Bởi vì, hiện nay ngành chăn nuôi đang lạm dụng khá lớn các sản phẩm tăng trọng cũng như các hóc môn tăng trưởng. Liệu những tồn dư những hóc môn tăng trưởng đấy trong phân động vật mà các bạn sử dụng sẽ ảnh hưởng đển cây trồng của bạn như thế nào? Các cây trồng sẽ hấp thụ hay đào thải chúng? Và nếu có hấp thụ thì cơ chế chuyển hóa của cây trồng có hoàn toàn loại bỏ được những hóc môn tăng trưởng đó không? Hay nó sẽ được chính con người của chúng ta hấp thụ lại thông qua các sản phẩm nông nghiệp?
Có lẽ khi bạn đọc đến đây, nhiều người sẽ thốt lên: Vậy thì cái gì là sạch, cái gì là có thể Organic và chúng ta có thể tin vào điều gì? Bạn đừng vội bi quan, bởi tôi nghĩ, cái gì nó cũng có tính tương đối của nó. Điều tôi muốn nói ở đây là: Bạn có thể chọn phương pháp canh tác hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ, nhưng bạn cũng không nên tuyệt đối hóa hoặc coi nó là một cái gì đấy nó ghê gớm. Cả hai phương pháp trên, mục đích cao nhất cũng chỉ là hướng tới những thực phẩm an toàn, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ hệ sinh thái bền vững. Tuy nhiên, môi trường để thực hiện nó (đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ) khá là khó khăn, và đôi khi, chúng ta không thể đạt được điều đó trong nền nông nghiệp hiện nay của nước nhà.

Tác giả : Nguyễn Thanh Sơn.

10 thg 9, 2015

Kỹ thuật trồng một số cây rau quả giàu Vitamin

Mặc dù LuxBonsai phần lớn chỉ nghiên cứu về cây phục vụ cho mục đích trang trí (Bao gồm cây cảnh, cây hoa ...). Tuy nhiên, chúng tôi cũng quan tâm đến các giải pháp về cây trồng, cây rau cho người sống tại thành phố giúp họ có một lợi ích là có rau sạch phục vụ nhu cầu hằng ngày.

 Ngoài ra các cây rau phần nào đó giúp không gian thiên nhiên của ngôi nhà của họ trở nên thân thiện với thiên nhiên hơn.

Trong qua trình nghiên cứu chúng tôi thấy một quyển sách khá ngắn gọn dạng cẩm nang. Đó là cuốn sách "Kỹ thuật trồng một số cây rau quả giàu vitamin". Cuốn sách này dạng cẩm nang, tra cứu những thông tin về các loài rau quả cơ bản và đơn giản giúp cho những người trồng rau tại thành phố được trang bị những kiến thức cần thiết giúp cho vườn rau, vườn quả được chăm sóc đúng kỹ thuật.
Bìa cuốn sách Kỹ thuật trồng một số cây rau quả giàu Vitamin



Tóm tắt nội dung cuốn sách:

Phần 1: Trồng rau trong vườn gia đình

 1.A Biện pháp thâm canh rau

 Tham canh hay hiểu đơn giản hơn đó là chuẩn bị đất, chuẩn bị phân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh...
 Đây là bước đầu tiên cũng là quan trọng trước khi sang phần B để nghiên cứu một số loại cây trồng cụ thể. Đối với mỗi loại cây trồng sẽ có những biện pháp "thâm canh" khác nhau (như đất, phân, thuốc trừ sâu) khác nhau.

 1.B Kỹ thuật trồng một số loại rau giàu vitamin trong vườn

 Trong phần này, các tác giả đề cập đến nhiều loại cây rau ăn lá, ăn củ, gia vị rất phỏ biến như là rau muoóng, rau mùi, súp lơ...

Phần 2: Trồng cây ăn quả giàu Vitamin

Sau phần 1 là bàn về rau thì trong phần này các tác giả đề cập đến một số lượng lớn các loài cây ăn quả phổ biến tại Việt Nam. Danh sách các loại cây ăn quả phổ biến đó là
  • Cam
  • Quýt
  • Bưởi
  • Chanh
  • Chuối
  • Đu đủ
  • Xoài
  • Hồng Xiêm
  • Trứng gà
  • Hồng
  • Na
  • Ổi
  • Mít
  • Vải
  • Nhãn
  • Dứa
  • Gấc
  • Dưa hấu
  • Cây bơ
  • Cây dừa
  • Cây khế
  • Chôm chôm
  • Sầu riêng

Tổng quát, các tác giả đả trình bày ngắn gọn về các phương pháp trồng (nói chung là thâm canh) cây ăn quả, cây rau . Đối với những nhà sống ở thành phố thì đây là tài liệu hữu ích, cơ bản trước khi quyết định trồng loại nào. Còn đối với người ở nông thôn do diện tích rộng nên về cơ bản sẽ là tài liệu bổ sung kiến thức cho nông dân trong quá trình chăm sóc vườn rau, vườn cây của mình.

Download sách: